Nghệ nhân Bát Tràng với việc bảo tồn nghề gốm

Nghệ nhân Phùng Thế Huỳnh bên những sản phẩm gốm

Từ nhiều thế kỷ trước, gốm Bát Tràng chủ yếu là đồ thờ, về sau gốm Bát Tràng đã có thêm đồ gia dụng, phổ biến nhất là bát, đĩa, bình, lọ, ấm chén. Ngày nay, gốm Bát Tràng có khá nhiều mặt hàng phong phú về chủng loại và kiểu dáng, bao gồm cả những mặt hàng mỹ nghệ với kỹ thuật và công nghệ cao. Gốm sứ Bát Tràng đã đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật và kỹ thuật chế tạo đồ gốm sứ ở Việt Nam. Để có được điều đó thì không thể thiếu bàn tay và khối óc của những nghệ nhân. Nghệ nhân không phải là người lao động bình thường, ngoài tài ba khéo léo của đôi bàn tay, họ còn giữ trong mình cả những bí quyết, những kỹ thuật cha truyền con nối. Với nghệ nhân, bản thân họ đã là một tài sản văn hoá sống, nắm giữ những giá trị văn hoá của cộng đồng. Ngoài sự sáng tạo, nghệ nhân còn có sứ mệnh truyền nghề cho các thế hệ sau. Nghệ nhân Vũ Đức Thắng một trong ba nghệ nhân ưu tú của Bát Tràng được Nhà nước phong tặng từ năm 2010, Ông nổi tiếng trong làng gốm với tài đắp nổi, khắc hoa văn trên gốm, từ sưu tầm chế thử cho đến trực tiếp sản xuất thành công nhiều sản phảm đặc biệt của nghề gốm mà hiện chỉ còn rất ít người làm gốm ở Bát Tràng làm được. Ông cho biết : “Nói về các sản phẩm truyền thống của Việt Nam được yêu thích thì chủ yếu được làm bằng làm tay. Gốm làm bằng tay, biểu cảm được cảm xúc, nhưng xu thế hiện nay thì đang mai một bởi công nghệ. Vì vậy tôi cũng có một thông điệp và mong muốn là tất cả các người thợ, ngoài việc bắt kịp với xã hội và thời đại nhưng đồng thời mình cũng vẫn phải giữ được bản sắc. Cái đó tôi nghĩ rằng không phải tôi mà thế hệ sau cũng nhận ra giá trị này”.

Để làm ra đồ gốm, người thợ gốm phải qua các khâu chọn, xử lý và pha chế đất, tạo dáng, tạo hoa văn, phủ men và cuối cùng là nung sản phẩm. Với từng ấy công đoạn, để trở thành người thợ giỏi không hề đơn giản. Trong gia đình, ngay từ bé họ đã được làm quen với đất, khuôn, men và lò nung. Nhưng khi bắt đầu học nghề thì ông bà, bố mẹ, anh chị mỗi người chỉ bảo một công đoạn. Mỗi công đoạn là một bí quyết của từng gia đình. Do đó, muốn trở thành thợ giỏi thì người học phải biết tổng hợp và đúc rút cho mình những kỹ thuật từ nhiều người khác nhau. Riêng công đoạn vẽ hoa văn, ngoài sự chỉ bảo ân cần của nghệ nhân thì người thợ phải kiên trì tập luyện. Thợ vẽ gốm phải có tay nghề cao, hoa văn họa tiết phải hài hoà với dáng gốm, các trang trí họa tiết này đã nâng nghề gốm lên mức nghệ thuật, mỗi cái là một tác phẩm. Thợ gốm Bát Tràng cũng đã dùng rất nhiều hình thức trang trí khác, có hiệu quả nghệ thuật như: đánh chỉ, bôi men chảy màu, vẽ men màu. Đi sâu về gốm thì gốm của nước ta có những nét đặc sắc và văn hóa riêng. Gốm của Trung Quốc thường làm bằng đề can nhưng ở Việt Nam mình được vẽ bằng tay. Vì vậy, muốn nghề gốm của chúng ta tồn tại và phát triển bền vững thì cần chú trọng vào thủ công mỹ nghệ và trên cơ sở truyền thống phải phát huy nó lên, đồng thời đẩy mạnh mang tính mỹ thuật ứng dụng nhiều ở trong gốm Việt.

Nhìn chung, vai trò của nghệ nhân và thợ lành nghề đối với làng nghề là rất lớn. Không có nghệ nhân thì không có làng nghề, hay ít nhất cũng không có làng nghề nổi tiếng. Chính tài năng của những nghệ nhân với những đôi “bàn tay vàng” của họ, đã tạo nên những sản phẩm quý giá, tiêu biểu cho những nét độc đáo của làng nghề Bát Tràng và đây chính là điều quan trọng góp phần để giữ cho làng nghề tồn tại và phát triển. Vì vậy, yếu tố văn hóa đậm nét của những sản phẩm gốm thủ công truyền thống đã tạo chỗ đứng cho các sản phẩm này với thị trường trong và ngoài nước. Nó bảo lưu những tinh hoa nghệ thuật và kỹ thuật được truyền từ đời này sang đời khác, hội tụ kinh nghiệm ở những thế hệ nghệ nhân tài năng với các sản phẩm mang bản sắc riêng của mình, nhưng vẫn đậm tính tiêu biểu và độc đáo của dân tộc.

Từ năm 2002, các nghệ nhân Bát Tràng bắt đầu liên kết để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thông qua Hiệp hội gốm sứ Bát Tràng. Những thành viên của Hiệp hội không chỉ là những gia đình sản xuất gốm mà còn có cả các công ty kinh doanh gốm sứ. Thông qua Hiệp hội và sự trợ giúp của một số chương trình của Nhà nước, người Bát Tràng có cơ hội tìm hiểu, nắm bắt thông tin về thị trường, các kiến thức mới trong công nghệ sản xuất gốm sứ. Cũng từ đó, việc dạy nghề, truyền nghề đã được coi trọng và là trách nhiệm của gia đình, dòng họ và các nghệ nhân.

Có thể nói việc làm đúng hướng của Làng gốm Bát Tràng đã được minh chứng bằng việc tạo ra một thế hệ nghệ nhân còn rất trẻ, có người mới vừa tròn 35 tuổi. Vì vậy việc tạo điều kiện để những nghệ nhân dạy nghề, truyền nghề cho các thế hệ sau là việc làm cần thiết để bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống, tránh sự mai một và biến mất những nghề đã một thời nổi tiếng.

 

(Nguồn : Internet)

Viết bình luận