Gốm sứ Bát Tràng - sản phẩm làng nghề thủ công truyền thống của Thăng Long xưa, Hà Nội nay

Năm 1010, vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long, Thăng Long trở thành trung tâm chính trị của nước Đại Việt. Do nhu cầu phát triển của kinh thành, nhiều thương nhân, thợ thủ công từ các nơi tìm về Thăng Long hành nghề và lập nghiệp. Nghề thủ công truyền thống Thăng Long – Hà Nội được hình thành do nhiều nguồn khác nhau nên vô cùng phong phú và đa dạng. Nghề khéo của trăm miền hội tụ về kinh kỳ, trải qua quá trình cọ sát đua trí, đua tài kết tinh thành tài hoa cốt cách chốn đô hội kinh đô này. Bởi thế, nghề thủ công Thăng Long – Hà Nội không chỉ là niềm tự hào của người thủ đô mà còn là tinh hoa, là niềm tự hào của cả dân tộc. Sự ra đời và phát triển của Thăng Long đã tác động mạnh đến hoạt động kinh tế của các làng xung quanh, trong đó có làng Bát Tràng. Làng gốm Bát Tràng là một làng nghề thủ công truyền thống nổi tiếng đã tồn tại ở ven đô Thăng Long với tư cách một làng nghề khoảng 600 năm nay

 
Sự ra đời và phát triển của Thăng Long đã tác động mạnh đến hoạt động kinh tế của các làng xung quanh, trong đó có làng Bát Tràng. Đặc biệt vùng này lại có nhiều đất sét trắng, một nguồn nguyên liệu tốt để sản xuất đồ gốm. Một số thợ gốm Bồ Bát đã di cư ra đây cùng họ Nguyễn Ninh Tràng lập lò gốm, gọi là Bạch Thổ phường (phường Đất Trắng). Những đợt di cư tiếp theo đã biến Bát Tràng từ một làng gốm bình thường đã trở thành một trung tâm gốm nổi tiếng được triều đình chọn cung cấp đồ cống phẩm cho nhà Minh.
 
Theo quan niệm của người xưa, nói đến các vật phẩm bằng gốm là nói đến sự kết hợp hài hoà của ngũ hành (Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ). Kim loại, ngâm trong xương và trong men gốm tạo ra vẻ đẹp, sự huyền bí của màu sắc. Rơm, tre, củi, gỗ tạo ra ngọn lửa, tạo ra sự hoả, biến, tác nhân của sự bền chắc trong xương gốm, màu sáng bóng rực rỡ của áo gốm. Nước hoà với đất để tạo dáng gốm, minh hoạ các biểu tượng của tâm hồn. Lửa là cha tạo ra sản phẩm, sắc thái của gốm. Đất là mẹ tạo ra xương thịt của gốm. Tất cả những yếu tố đó đã làm nên giá trị của sản phẩm gốm. Người thợ gốm Bát Tràng xưa, mỗi khi phát hoả, nhóm lò lại thắp ba nén hương khấn cầu cho ngũ hành hanh thông, nghề nghiệp tiến triển để cầu mong sự thịnh vượng.
 
Về nguyên liệu, ban đầu, người thợ Bát Tràng khai thác đất sét trắng ngay tại chỗ. Chất liệu này đảm bảo tinh dẻo, ít bã và ít phải gia cố trước khi tạo hình. Cho đến cuối thời Lê, các gò đất sét trắng của phường Bạch Thổ đã cạn, người thợ Bát Tràng dùng đất lấy ở Rau (Sơn Tây), Cổ Điển (Phúc Yên) và đặc biệt là đất Dâu Canh (Đông Anh). Từ cuối thời Lê trở đi, người thợ Bát Tràng sử dụng đất sông Dâu làm nguyên liệu chính. Đến cuối thế kỷ XX, một mặt người thợ Bát Tràng vẫn tiếp tục sử dụng đất Dâu Canh và Trúc Thôn sản xuất đồ đàn, mặt khác, họ còn sử dụng đất cao lanh Tủ Lạc và Bích Nhôi, đất sét trắng Hổ Lao và Trúc Thôn (Đông Triều). Đây là nguyên liệu để sản xuất đồ sành trắng.
 
 
Về tạo dáng đồ gốm, xưa kia ở Bát Tràng phổ biến là lối be chạch vuốt tay trên bàn xoay. Tuỳ theo vật dụng định làm mà người thợ dùng chân để xoay, dùng tay để vuốt. Kết quả là chỉ tạo ra những sản phẩm đơn chiếc. Hiện nay, kiểu vuốt tay này ở Bát Tràng không phải người thợ gốm nào cũng làm được. Trong những năm gần đây, tính công nghiệp của sản phẩm gốm đã được đẩy mạnh hơn khi xuất hiện các loại khuôn gỗ và khuôn thạch cao. Người thợ sáng tác ra một mẫu nào đó gọi là cốt. Sau đó, người ta làm khuôn để sản xuất cho ra hàng loạt. Ưu điểm của loại hình kỹ thuật này là làm ra mặt hàng giống nhau, giá thành hạ.
 
Về chế tạo men gốm, khoảng cuối thế kỷ XIV về trước, men ngọc đã được chế tạo từ hai thành phần chính là đất sét trắng phường Bạch Thổ và ôxít đồng dạng bột tán nhỏ. Từ thời Lê sơ trở đi (đầu thế kỷ XV), người thợ Bát Tràng đã chế tạo ra loại men gio, có màu trắng đục. Đây là loại men được chế từ ba thành phần chính: đất sét trắng phường Bạch Thổ, vôi sống, gio với tỷ lệ 2,5 bát đất sét trắng, 4,7 bát vôi bột tán và 12 bát gio. Ngoài loại men gio, người thợ Bát Tràng đã chế ra loại men nâu sôcôla. Men này bao gồm men gio cộng thêm 5% đá thối (hỗn hợp ôxít sắt và ôxít măng gan) lấy từ Phù Lãng (tỉnh Bắc Ninh). Từ thế kỷ XV, người thợ gốm Bát Tràng còn chế được men lam nổi tiếng. Loại men này được chế từ đá đỏ (ôxít cô ban), đá thối (ôxít măng gan) nghiền nhỏ rồi trộn với men áo. Men này phát màu ở nhiệt độ 125oC. Đến đầu thế kỷ XVII, một loại men mới đã được khám phá là men rạn. Men rạn được điều chế từ vôi sống, gio trấu và riêng thành phần cao lanh Tủ Lạc trắng được thay thế bởi cao lanh màu hồng nhạt lấy tại chùa Hội (Bích Nhôi, Hải Dương). Tỷ lệ ba thành phần này được gia giảm để tạo ra các loại men rạn khác nhau.
 
Bao nung được coi là một trong những khâu quan trọng của kỹ thuật nung. Chính những viên gạch vuông sản phẩm đặc biệt của lò gốm Bát Tràng xuất hiện là do yêu cầu của cấu trúc lò, đồng thời cũng là những bao nung sản phẩm. Ở Bát Tràng còn truyền tụng đôi câu đối ca ngợi kỹ thuật nung gốm:
 
Bạch lĩnh chân truyền nên tác bảo
Hồng lô đào chú thổ thành kim
 
Nghĩa là:
 
Núi đất trăng truyền nghề, bùn thành vật quý
Lò rực hồng hun nặn, đất hoá nên vàng.
 
Sau khi đã hoàn thành phần xương gốm, tạo dáng men, bao nung việc cần quan tâm lúc này là chế ngự lửa. Để tạo ra được nguồn lửa hữu ích, người thợ gốm Bát Tràng không chỉ tiếp thu những điểm ưu việt của các lò gốm địa phương, mà còn không ngừng cải tiến, hoàn thiện và sử dụng nhiều loại lò khác nhau.
 

Hiện nay, khi đến thăm xí nghiệp Bát Tràng hay một hợp tác xã hoặc một gia đình làm gốm quy mô, ta có thể hiểu được đầy đủ quy trình làm gốm của người thợ. Bát Tràng cuốn hút nhiều nhân lực từ khắp nơi về sáng tác mẫu mã mới và cải tiến công nghệ sản xuất. Một số nghệ nhân đã bước đầu thành công trong việc khôi phục một số đồ gốm cổ truyền với những kiểu dáng và nước men đặc sắc thời Lý, Trần, Lê, Mạc... Sản phẩm gốm Bát Tràng càng ngày càng phong phú và đa dạng. Ngoài các mặt hàng truyền thống, các lò gốm Bát Tràng còn sản xuất nhiều sản phẩm mới đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước như các loại ấm chén, bát đĩa, lọ hoa... kiểu mới, các vật liệu xây dựng, các loại sứ cách điện..., và các sản phẩm xuất khẩu theo đơn đặt hàng của nước ngoài. Sản phẩm Bát Tràng có mặt trên thị trường cả nước và được xuất khẩu sang nhiều nước châu Á, châu Âu.

 

(Nguồn : Nhà xuất bản Hà Nội)

Viết bình luận