Gốm sứ Huỳnh Hường - Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội

Giới thiệu về nghệ nhân Phùng Thế Huỳnh

Nghệ nhân Phùng Thế Huỳnh được sinh ra và lớn lên tại làng nghề gốm sứ Bát Tràng, huyện Gia Lâm (Hà Nội). Anh là đời thứ 17 trong dòng họ có truyền thống làm nghề. Ngay từ lúc nhỏ, anh đã được các bậc cha chú chỉ dạy cho những “đường” cơ bản đầu tiên của nghề gốm sứ. Ban đầu chỉ là những công việc phụ giúp, rồi đến sản xuất những vật dụng đơn giản, dần dần tay nghề nâng cao anh đã tự làm ra những tác phẩm nghệ thuật độc đáo.

Nghệ nhân Phùng Thế Huỳnh bên những sản phẩm gốm

 

   Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự vào năm 1990, anh Huỳnh trở về quê hương với khát vọng làm giàu bằng nghề cha ông để lại. Đây có thể nói là giai đoạn “quyết tâm sinh nghề tử nghiệp” với người nghệ nhân tài hoa này.

   Khởi nghiệp, anh chọn sản xuất những sản phẩm thô sơ để có thể tạo dựng được ít vốn. Đến năm 1993 anh thành lập cơ sở mang tên Huỳnh Hường và đưa cơ sở đi lên bằng sản xuất các mặt hàng từ gốm để xuất khẩu. Tính từ năm 2001 đến nay, cơ sở chuyên sản xuất các sản phẩm đồ đựng thức ăn, đồ thức uống cao cấp cho các nhà hàng khu nghỉ dưỡng cao cấp trong nước. Bên cạnh đó, anh Huỳnh cũng chú trọng tới các sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài. Thị trường xuất khẩu chủ yếu của cơ sở Huỳnh Hường là châu Âu, với các nước khá “kén chọn” như Pháp, Ý…  Xác định đó là những thị trường khó khăn, khắt khe, đòi hỏi kỹ thuật cao nên anh rất thận trọng và giữ chữ “tín” đối với những bạn hàng nước ngoài. Anh Huỳnh chia sẻ: “Nguyên liệu để làm ra sản phẩm có tới 60% là đất lấy từ Phú Thọ và 40% là nhập khẩu từ Ấn Độ. Chính nguyên liệu là khâu chủ yếu tạo lên chất lượng sản phẩm của mình”.

   Nhận thấy tầm quan trọng của thương hiệu, năm 2006 anh Huỳnh đã đăng ký thương hiệu độc quyền cho các sản phẩm của cơ sở. Bên cạnh đó, anh còn không ngừng phát triển quy mô sản xuất cũng như áp dụng công nghệ khoa học vào sản xuất. Hiện tại, xưởng sản xuất của cơ sở Huỳnh Hường với quy trình khép kín từ khâu làm đất đến khâu đóng gói sản phẩm xuất ra thị trường. Ngoài những thuận lợi, nghệ nhân Phùng Thế Huỳnh cũng đã gặp không ít khó khăn trong sản xuất và kinh doanh. Nhất là khi các mặt hàng Trung Quốc tràn vào thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó giá nguyên liệu, chất đốt liên tục biến động theo chiều hướng tăng làm khó khăn cho doanh nghiệp. Theo nghệ nhân Huỳnh thì hiện tại chất đốt đang chiếm tới 70% giá trị của sản phẩm cơ sở anh sản xuất. Để chèo lái doanh nghiệp vượt qua những khó khăn thử thách, anh Huỳnh bộc bạch: “ Mình phải tiếp tục phát huy những thế mạnh các sản phẩm mình đang có, không dừng lại ở đó phải luôn thay đổi mẫu mã sản phẩm để đưa ra thị trường các sản phẩm đẹp về hình thức nhưng bảo đảm được chất lượng. Tuyệt đối tạo uy tín, lòng tin của cơ sở với các bạn hàng trong nước và ngoài nước. Sắp tới sẽ đồng thời sản xuất phát triển thêm các mặt hàng trang trí nội thất làm từ gốm.”

   Với những đóng góp cho nghề gốm nói chung và làng nghề truyền thống Bát Tràng nói riêng, anh Phùng Thế Huỳnh đã được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân làng nghề Việt Nam năm 2014. Cùng với những cống hiến cho cộng đồng, anh còn nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các cơ quan ban ngành ở trung ương và địa phương.

Hình ảnh về cơ sở sản xuất gốm sứ Huỳnh Hường

Một số hình ảnh hàng ngày tại cơ sở sản xuất gốm sứ Huỳnh Hường - Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội